Nhận xét của NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 (diễn ra từ ngày 11 - 26.6), được công bố trong lễ bế mạc không khiến người theo dõi ngạc nhiên. Tuy nhiên, đây là bản nhận xét mà có người cho rằng hơi u ám và có phần quá thẳng. Trong đó, ông Giàu phân tích rất kỹ những yếu tố chuyên môn: từ kịch bản đến đạo diễn, từ mỹ thuật tới âm nhạc, từ diễn viên tới khán giả… Từ đó đặt ra liên tiếp những câu hỏi khó trả lời.
Đêm trắng, vở diễn nhận huy chương vàng
Về kịch bản, theo NSND Trần Ngọc Giàu, hầu hết là kịch bản được viết khá lâu, không có kịch bản xuất xứ từ trại sáng tác kịch bản, kịch bản của tác giả trẻ càng hiếm ở liên hoan. Ông Giàu chia 22 kịch bản thành 4 nhóm. Trong đó, 7 kịch bản về chiến tranh cách mạng; 7 kịch bản dân gian lịch sử; 2 kịch bản về quan hệ gia đình; 6 kịch bản phản ánh thực trạng xã hội, chống tiêu cực, chống tham ô tham nhũng.
Từ đó, NSND Trần Ngọc Giàu đặt câu hỏi: "Những con số trên đã phần nào cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về hoạt động sân khấu, sân khấu chạy trốn khỏi hiện thực đời sống, những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Thực trạng này phải chăng là do đội ngũ sáng tác thiếu hụt, đội ngũ sáng tạo né tránh những vấn đề đương đại…; hay vấn đề nằm ở quan niệm, cách chọn kịch bản của các nhà quản lý đơn vị nghệ thuật?".
Hội đồng nghệ thuật cũng lo ngại về nguồn lực đạo diễn. Thống kê cho thấy liên hoan có 18 đạo diễn được mời dàn dựng cho 23 vở diễn. Trong số này có 1 đạo diễn dựng 5 vở, 1 đạo diễn dựng 2 vở và 2 đạo diễn dựng cùng 1 vở. "18 gương mặt đạo diễn chỉ có 2 người ở tuổi 30, phần còn lại là đạo diễn không còn trẻ nữa và càng hiếm đạo diễn tham gia liên hoan lần đầu", NSND Trần Ngọc Giàu đánh giá.
Cũ và cũCũng theo ông Giàu, liên hoan đã tìm thấy điểm nhấn, nhân tố mới nổi trội, vở diễn bùng nổ vỡ òa cảm xúc, thăng hoa nghệ thuật như Đêm trắng của Nhà hát Kịch VN, Vòng tròn bội bạc của Nhà hát Kịch Hà Nội, Bắt quỷ của Kịch Hải Phòng. Mặc dù vậy, ở một số vở, không có hình thức mới cho nội dung cũ, không tìm tòi, phát hiện được tính thời đại cho câu chuyện đã qua. Với vở diễn dân gian lịch sử không thấy ôn cố tri tân, kể chuyện chiến tranh như nó vốn có, thiếu góc nhìn của con người hôm nay, ở cả hai đề tài này các đạo diễn đã thiếu tính phát hiện.
Thiết kế mỹ thuật cũng tương đối buồn khi còn có vở xử lý các tấm pano đẩy ra kéo vào, những mảng trang trí thả xuống kéo lên, lùng nhùng vải lụa… Những thủ pháp chưa cũ nhưng đưa vào không đúng chỗ, không hợp lý đã cho hiệu ứng ngược. Cũng có những xử lý mang tính hình thức không tương xứng nội dung; những bục bệ thu hẹp diện tích sàn diễn, giới hạn chiều sâu sân khấu; diễn viên sắp hàng ngang diễn ở phần trước sân khấu.
Âm nhạc sân khấu dường như bị bỏ quên. Theo ông Giàu: "23 vở diễn nhưng chỉ có 5 nhạc sĩ có tên trong vở diễn, may mắn là có một nhạc sĩ được mời viết nhạc cho 2 vở, 18 vở diễn không có nhạc sĩ mà sử dụng nhạc chọn. Điều này cho thấy sáng tác nhạc cho vở diễn không được xem trọng, chắp vá mô típ âm nhạc. Có vở có nhạc sĩ nhưng chỉ được sử dụng ca khúc".
Nhà hát Kịch VN thắng lớn ở liên hoan
Chỉ báo thiếu lành mạnhLiên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 cho thấy một khuôn mặt kịch nói được phân hạng rất mạnh. Ở đó, có những nhà hát nhiều năm qua vẫn luôn trong nhóm đi đầu. Đó là Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Tuổi Trẻ… Họ luôn có những tác phẩm mà mỗi khi "rung chuông" đều mang về chuông vàng, những diễn viên diễn chắc tay và giàu cảm xúc. Nhưng cũng có đoàn bị Hội đồng nghệ thuật nhắc nhở vì sự thiếu kỹ lưỡng trong cả dàn dựng, thiết kế lẫn diễn xuất.
Câu hỏi về đội ngũ kế cận cũng được đặt ra trong liên hoan lần này. Việc một đạo diễn lão thành một mình "chiến" 5 vở cũng là điều đáng lo ngại. Cho dù việc vị NSND này được mời nhiều do thiếu đạo diễn, hay do tư duy "tín nhiệm vì hay có giải" thì đây cũng là chỉ báo thiếu lành mạnh. Hệ lụy của việc đãi ngộ với nhạc sĩ, họa sĩ thiết kế sân khấu giờ đây cũng bộc lộ rõ khi chất lượng âm nhạc, thiết kế trồi sụt. Không thể không nói đến việc với chính sách cho họ, giờ đây các trường sân khấu điện ảnh rất khó tuyển người học họa sĩ thiết kế.
Một vấn đề khác cũng cần được đặt ra là các quy định trong quy chế của liên hoan này liệu đã thỏa đáng. Tại sao chấp nhận đạo diễn người nước ngoài, nhưng lại không chấp nhận kịch bản nước ngoài? Tại sao lại không cho phép các nhà hát thuộc các trường sân khấu điện ảnh tham gia? Tại sao chỉ chấp nhận kịch bản viết sau năm 2005, nhưng lại đồng ý kịch bản trước đó có chỉnh sửa (không cần biết tỷ lệ chỉnh sửa là bao nhiêu)?
Với bộ quy chế khó lý giải này, có những tác phẩm sẽ khó xuất hiện tại liên hoan dù nó được đón chào trong đời sống sân khấu thật. Chẳng hạn, vở Người đi dép cao su, tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có kịch bản ngoại. Đây là vở diễn có chất lượng, thậm chí còn đáp ứng quy định "khuyến khích các tác phẩm về tư tưởng Hồ Chí Minh", nhưng đã không được xuất hiện trong liên hoan.
Nhìn lại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 để thấy Bộ VH-TT-DL có quá nhiều việc phải chấn chỉnh, thay đổi để sân khấu phát triển tốt hơn. Từ câu chuyện đào tạo nhân lực đạo diễn, họa sĩ, tới cách thức tổ chức các trại sáng tác kịch bản sao cho hiệu quả, và tổ chức liên hoan sao để thúc đẩy được năng lực nghệ sĩ.